Thương hiệu xây dựng lên để nhớ!

Nhận thức thương hiệu - chìa khóa để biến khách hàng tiềm năng thành những người bạn đồng hành trung thành. Nó là thước đo mức độ quen thuộc của thương hiệu trong tâm trí khách hàng, thể hiện qua khả năng nhận diện logo, tên gọi, sản phẩm và các yếu tố khác.

BLOG

3/13/20247 phút đọc

Nhận thức thương hiệu là gì?

Nhận thức thương hiệu, hay độ nhận diện thương hiệu, đề cập đến mức độ quen thuộc của khách hàng với sản phẩm hoặc dịch vụ theo tên thương hiệu. Nhận thức thương hiệu là việc người tiêu dùng bắt đầu quan tâm tới sản phẩm hoặc dịch vụ. Đây chính là bước đầu tiên trong lộ trình mua hàng, cũng là điểm khởi đầu cho mối quan hệ của khách hàng đó với một thương hiệu.

Bạn đã bao giờ tự hỏi vì sao bạn nhận ra, nhớ ra và liên tưởng tới một công ty, ngay cả khi bạn chưa hề sử dụng sản phẩm của công ty đó chưa? Đó là vì công ty đó có mức độ nhận thức thương hiệu hết sức mạnh mẽ, nghĩa là người tiêu dùng cảm thấy quen thuộc hoặc biết đến thương hiệu của họ.

Thương hiệu của một doanh nghiệp không chỉ là một logo hoặc một khẩu hiệu. Đó là sự kết hợp của những sản phẩm mà họ bán, cách họ kể chuyện, tính thẩm mỹ của thương hiệu cũng như trải nghiệm khách hàng mà họ đem lại, những giá trị mà công ty đại diện và nhiều yếu tố khác.



Ví dụ: hãy nghĩ đến người bạn thân nhất của bạn. Lần đầu tiên gặp gỡ, người đó đã để lại ấn tượng ban đầu trong bạn. Quá trình tiếp xúc thêm với người đó sẽ cho bạn thêm cảm nhận về người đó theo thời gian. Và dựa theo đó, bạn sẽ dần cảm nhận được người đó là ai và họ đại diện cho điều gì. Trong suy nghĩ của bạn, người bạn thân nhất đã có một thương hiệu riêng. Thương hiệu này được hình thành thông qua sự kết hợp giữa tất cả các trải nghiệm mà bạn có với người bạn đó.

Nhận thức của khách hàng về một thương hiệu được hình thành dựa trên một loạt thông tin ghi nhận được theo thời gian. Các công ty xây dựng thương hiệu bằng cách truyền tải thông điệp và đem đến trải nghiệm nhất quán ở các điểm tiếp xúc. Sự nhất quán - thông điệp và trải nghiệm lặp lại nhiều lần - là nền tảng giúp một thương hiệu trở nên dễ nhớ, đồng thời là chìa khóa để xây dựng nhận thức thương hiệu.

Tại sao việc xây dựng nhận thức thương hiệu lại quan trọng?

Nhận thức thương hiệu giúp thương hiệu của bạn xuất hiện đầu tiên trong danh sách khách hàng tiềm năng khi khách hàng bắt đầu cân nhắc ra quyết định mua sắm. Suy cho cùng, một thương hiệu mạnh mẽ là điều rất quan trọng, nhưng để phát triển hoạt động kinh doanh, bạn cần khách hàng biết tới điều này. Nhận thức thương hiệu đóng vai trò trọng yếu vì nó giúp nuôi dưỡng niềm tin và cho phép các thương hiệu kể câu chuyện của mình, đồng thời xây dựng giá trị thương hiệu với người tiêu dùng.

Theo một cuộc khảo sát toàn cầu của Statista năm 2022, cứ 10 người tiêu dùng thì có 5 người cho biết họ sẵn sàng chi thêm tiền cho một thương hiệu có hình ảnh lôi cuốn. “Vào năm 2022, tổng giá trị của 100 thương hiệu giá trị nhất thế giới đã tăng hơn 22% và đạt mức kỷ lục $8,7 nghìn tỷ”, theo Statista. “Để so sánh, con số này chỉ dừng ở mức khoảng $5 nghìn tỷ vào hai năm trước đó”.

Nhận thức thương hiệu cũng rất quan trọng vì nó giúp phát triển bản sắc mạnh mẽ mà qua đó công ty có thể chia sẻ các giá trị và sứ mệnh của mình. Kiểu kết nối này rất quan trọng đối với người tiêu dùng. Theo báo cáo của Amazon Ads và Environics Research năm 2022, 79% người tiêu dùng toàn cầu cho biết họ có nhiều khả năng mua hàng từ các thương hiệu có giá trị phù hợp với giá trị của họ.

3 cách giúp thương hiệu bạn khắc sâu vào tâm trí khách hàng

Xây dựng thương hiệu không phải là việc dễ dàng vì nó đòi hỏi lập kế hoạch, chiến lược và triển khai một cách chi tiết. Dưới đây là 3 cách giúp bạn lập chiến lược xây dựng một thương hiệu mạnh cho doanh nghiệp của mình.

1. Thấu hiểu khách hàng của bạn

Cách tốt nhất để cải thiện hình ảnh thương hiệu là thấu hiểu một cách thấu đáo khách hàng hiện tại của bạn. Biết lí do tại sao họ sử dụng hoặc yêu thích sản phẩm của bạn, và tận dụng những hiểu biết đó để nâng cao hơn vị thế thương hiệu của bạn bằng cách làm nổi bật những điểm khác biệt với đối thủ trong truyền thông. Giữ liên kết với khách hàng là chìa khóa của sự thành công. Điều này được thực hiện thông qua việc phản hồi khách hàng trên các social media và nghiên cứu cơ cấu thị trường.

2. Thông điệp và hình ảnh nhất quán

Hình ảnh thương hiệu của bạn phải nhất quán giữa các bộ phận và thông điệp cần được củng cố để mang đến trải nghiệm chân thực và thống nhất cho khách hàng. Bằng hiệu ứng lặp đi lặp lại, khi bạn thống nhất thông điệp, khách hàng sẽ dễ nhớ đến thương hiệu của bạn hơn. Nếu bạn liên tục thay đổi thông điệp trong thời gian ngắn, khách hàng sẽ chẳng nhớ nổi bạn bán thứ gì, giá trị là gì.

3. Đánh giá vị trí hiện tại

Cách tốt nhất để cải thiện thương hiệu là hãy thực sự hiểu và đánh giá đúng vị trí thương hiệu của bạn ở hiện tại. Ví du: Hình ảnh thương hiệu của chúng tôi là gì? Đội ngũ nhân viên có phù hợp với định vị thương hiệu hay không? Thương hiệu được khách hàng, đối tác, nhân viên và đối tác cảm nhận như thế nào? Hãy đặt câu hỏi và thành thật với câu trả lời của bạn. Đừng bao giờ giả định.

Mong rằng những thông tin trên của H2O BRAND sẽ hỗ trợ phần nào những vấn đề mà doanh nghiệp bạn đang gặp phải!